Talkshow Chuyên Ngành Của VTCC Gây Sức Hút Trong Cộng Đồng AI Việt Nam

Với chủ đề “The Power of Data” (Quyền năng của Dữ liệu), chương trình tọa đàm chuyên ngành AI ON AIR của TT Không Gian Mạng Viettel chia sẻ tri thức về Big Data và Computer Vision của những chuyên gia cả bên trong và bên ngoài Viettel. Các giải pháp về Big Data và Data Mining của Viettel đã gây ấn tượng mạnh với người tham dự.

Chuỗi tọa đàm chuyên ngành AI ON AIR là hoạt động do TT Không Gian Mạng Viettel (VTCC) tổ chức nhằm tạo không gian chia sẻ tri thức trong cộng đồng nghiên cứu các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), big data,… “The Power of Data” là chủ đề của buổi tọa đàm lần thứ 3 được tổ chức tại Hà Nội, thu hút được hơn 60 người tham dự có hứng thú về lĩnh vực Big Data và Computer Vision. Dẫn dắt tọa đàm có Tiến sĩ Đinh Viết Sang – Giảng viên Khoa học Máy tính tại Viện CNTT-TT (ĐH Bách khoa Hà Nội) và đồng chí Đỗ Thị Hải Yến – Thạc sĩ khoa học, trưởng sản phẩm User Profile và AntiSpam thuộc VTCC.

Trong phần chia sẻ của mình, Tiến sĩ Đinh Viết Sang đã phân tích ý tưởng tối ưu hóa việc huấn luyện AI bằng cách giảm thiểu những kết nối neron không cần thiết thay vì việc kết nối tất cả neron trong mô hình deep learning ban đầu. Việc giảm thiểu các kết nối dư thừa này được gọi với thuận ngữ mạng neron thưa, giúp tiết kiệm tài nguyên như bộ nhớ, dữ liệu mà không ảnh hưởng tới kết quả mong muốn cuối cùng.

Tiến sĩ Đinh Viết Sang và phần chia sẻ về lĩnh vực Computer Vision của mình

Điểm nhấn của sự kiện là phần chia sẻ của đ/c Đỗ Thị Hải Yến về bài toán ứng dụng Big Data và Data Mining trong thực tế, đặc biệt là casestudy về giải pháp AntiSpam Call của Viettel. Với lượng data khổng lồ từ gần 70 triệu thuê bao viễn thông và 80 triệu tài khoản facebook, nhóm phát triển tại Viettel đã xây dựng một nền tảng lớn là User Profile – nền tảng phát triển tất cả những feature liên quan đến hành vi của từng người dùng từ những data sẵn có của họ (giới tính, độ tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, hành vi sở thích…).

Ứng dụng của giải pháp này trong việc chăm sóc khách hàng là đáp ứng nhu cầu viễn thông của từng cá thể riêng biệt để gợi ý những gói cước phù hợp. Ứng dụng thứ 2 nổi bật có thể kể đến là giải pháp AntiSpam Call của Trung tâm Không gian mạng Viettel có khả năng nhận diện các số điện thoại có dấu hiệu đáng ngờ (gọi ra nhiều thuê bao khác mà chưa có liên hệ viễn thông trước đó, thời lượng cuộc gọi ngắn, thời gian giữa các cuộc gọi đi liên tiếp…) để tiến hành cảnh cáo và chặn một chiều.

Các bạn sinh viên CNTT bị thu hút bởi các chủ đề của sự kiện

AntiSpam Call là một giải pháp tiên tiến và còn rất mới trên thế giới khi có rất ít công cụ đảm bảo chức năng tương tự ngay cả với những công ty viễn thông lớn như AT&T (Mỹ). Giải pháp đang trong quá trình hoàn tất hạ tầng và đưa vào triển khai thử nghiệm chính thức.

Phần chia sẻ về sản phẩm AntiSpam Call của chị Yến đã gây ấn tượng với rất nhiều người tham dự. Anh Hoàng Xuân Sơn, quản lý tại một công ty dược chia sẻ: “Bài toán về cuộc gọi rác là một bài toán gây nhức nhối cho rất nhiều doanh nghiệp kể cả trong nước và quốc tế. Để giải quyết nó không hề dễ dàng và anh đánh giá rất cao những chia sẻ thẳng thắn và chi tiết của chị Yến về cách mà Viettel đang giải quyết bài toán này”.

Nói về sự kiện, anh Sơn cho rằng “AI đang là xu hướng công nghệ rất phát triển. Do đó, theo anh hàng tháng có sự kiện liên quan tới lĩnh vực này rất hay và rất cần thiết. Thông qua sự kiện, các nhà nghiên cứu, các nhà kinh doanh có cơ hội kết nối và chia sẻ những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực này mà mình đang làm. Từ đó, giúp việc chuyển giao công nghệ dễ dàng hơn giữa các phòng nghiên cứu và doanh nghiệp; đồng thời nhanh chóng đưa ứng dụng AI vào đời sống để phục vụ con người, phục vụ khách hàng tốt hơn”.

AI ON AIR sẽ sớm quay trở lại với số thứ 4 trong tháng 10 tại TP.HCM để chia sẻ kinh nghiệm, tri thức với cộng đồng các nhà nghiên cứu khoa học tại đây.